Không chỉ có lăng tẩm, đền đài thu hút du khách mà đất cố đô còn vô số món ăn ngon giá rẻ đến ngạc nhiên.Mùa hè ở đây khá nóng nực và nắng nhiều nhưng hiện tại các điểm tham quan đang giảm giá vé tới 50% đến hết ngày 31/7, đồng thời chi phí ăn ở, đi lại tại đây khá rẻ. Vì thế, với 2 triệu đồng bạn vẫn có thể lập một kế hoạch 3 ngày khá thoải mái, dù đi một mình hay với bạn bè.
Lưu trú
Phòng gác mái cho một người ở homestay ngay lòng phố Huế. Ảnh: Booking. |
Nên đặt phòng ở trung tâm, gần các bến tàu, xe để dễ đi lại cũng như tham quan các địa điểm du lịch nội đô và điểm ăn uống. Các homestay, hostel nằm ngay trung tâm như a-mâze house, Sunshine, Tò Vò, Trầm... giá chỉ 100.000 - 200.000 đồng/ đêm phù hợp cho người đi một mình hoặc nhóm bạn trẻ. Lưu ý nếu đi đông nên đặt trước qua các kênh đặt phòng như booking, agoda, traveloka, vntrip... để có giá tốt.
Dưới đây là lịch trình chi tiết các điểm tham quan cho chuyến du lịch Huế 3 ngày:
Ngày 1
Chợ Đông Ba - Quốc học Huế - Nhà thờ Phủ Cam - Cầu Trường Tiền
Chợ Đông Ba được hình thành từ năm 1899 - là một trong những biểu tượng của đất cố đô, vốn quanh năm tấp nập người mua kẻ bán. Chợ kéo dài từ cầu Gia Hội tới cầu Trường Tiền với hàng ngàn gian hàng. Bước vào chợ, bạn sẽ thấy không khí đầy màu sắc của một khu chợ Huế. Du khách tới đây thỏa sức tìm ăn món ngon, hoặc dạo quanh các hàng quần áo, vải, mũ nón, các loại mắm, bánh trái chỉ có ở Huế để mua đem về.
Chợ bán từ 7h sáng tới chiều muộn nên du khách có thể ghé lúc nào tùy thích. Tuy nhiên sau 16h có nhiều hàng ăn vặt mở cửa hơn. Khi mua hàng có thể mặc cả.
Quốc học Huế |
Quốc học Huế là trường trung học đầu tiên của Huế xây từ thời vua Thành Thái, vào năm 1896. Hiện trường nằm ở số 12 đường Lê Lợi, ngay trung tâm. Trường nổi bật với màu sơn đỏ rực rỡ và những hàng cây cổ thụ xanh mướt quanh năm. Khuôn viên Quốc học Huế rất rộng nên bạn cứ thư thả đi dạo các hành lang, lớp học, sân trường, tham quan những kiến trúc Pháp xưa và chụp hình lưu niệm.
Bạn ghé trường vào buổi trưa như 11h30 hoặc sau 17h để tham quan và chụp ảnh lúc vắng học sinh. Trường có nhiều cây lớn rất mát mẻ, nếu đi vào sáng sớm có thể bảo vệ không cho vào vì trong giờ học của học sinh. Phí gửi xe vào trường là 5.000 đồng.
Nhà thờ Phủ Cam |
Nhà thờ Phủ Cam nằm ở số 1 đường Đoàn Hữu Trưng. Công trình kiến trúc độc đáo là điểm "sống ảo" đẹp như trời Âu. Trải qua thăng trầm lịch sử, nhà thờ được cho là đẹp nhất xứ Huế này đã có trên dưới 10 lần xây dựng lại kể từ năm 1682. Nhà thờ nằm trên đồi Phước Quả, chánh tòa và hai tháp chuông vươn lên trời cao rất bề thế, uy nghiêm. Bên trong nhà thờ là thánh đường rộng rãi, thoáng đãng có thể chứa tới 3.000 người cùng lúc. Vì nhà thờ Phủ Cam là địa điểm tôn giáo nên bạn cần ăn mặc lịch sự, giữ yên tĩnh khi tham quan và chụp ảnh.
Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương vốn là hình ảnh mà nhắc tới Huế ai cũng nhớ. Nếu ban ngày chỉ trầm ngâm in bóng xuống dòng Hương thì chiều muộn và tối đến, cầu lại được tô điểm bằng ánh đèn màu lấp lánh rất nổi bật. Tối đến, du khách tham quan cầu Trường Tiền nên kết hợp đi bộ dạo dọc bờ sông Hương, chiều hoặc tối sẽ có thêm các hàng quán ăn vặt thu hút khách.
Ngày 2
Hồ Thủy Tiên - Lăng Minh Mạng - Lăng Khải Định - Rừng Rú Chá
Ảnh: We Eat Fish |
Hồ Thủy Tiên ở Huế là một trong những công viên nước bỏ hoang nổi tiếng nhất thế giới. Rất nhiều khách du lịch bụi tới Việt Nam biến nó thành điểm check-in độc đáo. Công viên này tốn đến 70 tỉ đồng để xây dựng và mở cửa từ năm 2004 nhưng không thu hút được nhiều khách nên dừng hoạt động sau đó vài năm.
Ngày nay, Hồ Thủy Tiên bị bao phủ bằng các bức tranh tường graffiti nhiều màu và cây cối mọc lên um tùm. Tuy vậy, công viên này lại trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch bụi.
Lăng Khải Định nằm ở triền núi Châu Chữ thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, là nơi an nghỉ của vua Khải Định (1885 - 1925). Lăng được khởi công xây dựng vào năm 1920, 11 năm sau mới hoàn thành với kiến trúc như ngày nay.
Ảnh: Nguyễn Tấn Anh Phong. |
Lăng Khải Định là công trình có diện tích nhỏ nhất nhưng lại tốn công sức và tiền của nhất trong các lăng tẩm triều Nguyễn. Kiến trúc lăng có sự giao thoa của hai nền văn hoá Đông – Tây, phản ánh sở thích xa hoa của nhà vua lúc sinh thời.
Lăng Minh Mạng còn được gọi là Hiếu Lăng, cổng chính là Đại Hồng Môn, chỉ mở một lần để đưa quan tài của vua vào trong lăng. Sau đó, việc ra vào phải qua hai cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Lăng có khung cảnh thơ mộng và hữu tình. Đặc biệt hơn là xen giữa các công trình kiến trúc cổ đều có hồ nước trong xanh, mùa hè sen nở thơm ngất ngây và rất nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát.
Vé các khu lăng Minh Mạng, lăng Khải Định là 150.000 đồng/ người, tuy nhiên Huế đang giảm giá để kích cầu du lịch nội địa nên chỉ còn 75.000 đồng/ người.
Ảnh: Ngân Dương. |
Rừng Rú Chá là rừng ngập mặn nguyên sinh ở phá Tam Giang, thuộc làng Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà. "Rú" nghĩa là rừng, còn "chá" là cây chá ở vùng ngập mặn. Nếu đến đây vào mùa thu bạn còn được chiêm ngưỡng màu vàng rực của những bông chá nở khắp rừng.
Các bạn trẻ tới rừng Rú Chá rất thích thú chụp ảnh ở con đường bê tông sâu hun hút và hai hàng cây bao bọc. Từ trung tâm thành phố, bạn chạy theo quốc lộ 49 sẽ thấy bảng chỉ dẫn rẽ trái theo hướng cầu Tam Giang, đi thêm khoảng 4 km. Khách tham quan rừng Rú Chá không mất phí.
Ngày 3
Đại Nội Huế - Chùa Thiên Mụ - Phố Tây
Đại Nội Huế có hơn 100 công trình kiến trúc nổi bật như Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, Hưng Miếu, Thế Miếu... Quần thể công trình cổ kính này được bố trí theo nguyên tắc "tả nam hữu nữ", "tả văn hữu võ", tính từ trong ra. Ngay cả các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự "tả chiêu hữu mục" (trái trước, phải sau, lần lượt theo thời gian).
Vì khuôn viên Đại Nội Huế rất rộng cũng như tiết trời nắng nóng mùa hè, bạn nên đến từ sáng sớm ngay khi mở cửa lúc 7h và mang theo mũ, nón tránh nắng. Bạn cần ít nhất 3 tiếng tham quan khu di tích. Hiện vé vào Đại Nội đang giảm 50% đến hết tháng 7, từ 200.000 đồng còn 100.000 đồng/ người.
Ảnh: Bùi Ngọc Công.
|
Nếu còn thời gian, bạn nên cân nhắc tham quan thêm chùa Huyền Không Sơn Thượng. Tham quan các ngôi chùa thường không mất phí, tuy nhiên để giữ không gian thanh tịnh, du khách chú ý ăn mặc lịch sự, không làm ồn.
Phố Tây mới mở cửa đón khách lại từ 15/5 sau đợi dịch Covid-19. Đây là khu phố đi bộ nối các đường Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu, hoạt động 3 tối cuối tuần từ 18h đến nửa đêm . Phố Tây tập trung nhiều cửa hiệu, nhà hàng, quán ăn, cà phê, bar, pub... là điểm đến thích hợp cho các bạn trẻ dạo bộ, mua sắm, ăn uống cũng như tham gia các hoạt động giải trí, xem biểu diễn nghệ thuật.
Ẩm thực
Từ lâu ẩm thực Huế đã nổi tiếng đa dạng, tinh tế bởi người Huế quan niệm đồ ăn không chỉ ngon mà còn phải đẹp. Các món bạn nhất định phải thử khi du lịch Huế là bún bò, cơm hến, bánh canh, các loại bánh bèo, nậm, lọc, bánh ép, bánh ướt thịt nướng, chè... Mỗi món ăn chơi chỉ từ 7.000 - 20.000 đồng/ suất, các món ăn no như bún bò, thịt luộc cuốn tôm, bún mắm, cơm niêu... có giá từ 30.000 đồng/ suất. Vì đồ ăn Huế rẻ và ngon nên bạn chỉ cần dắt túi 100.000 - 300.000 đồng là có thể ăn no nê trong ngày.
Bún Hến |
Bánh bèo chén |
Bánh bột lọc |
Chè thập cẩm |
Các địa chỉ ăn uống ở Huế:
Bún bò Huế số 47 Nguyễn Công Trứ, 20 Bạch Đằng, 17 Hùng Vương...
Bánh bèo nậm lọc O Lé, kiệt 104/17/9 Kim Long
Bánh Huế Lưu Ngọc, số 70 Kim Long
Sữa chua uống có bán ở rất nhiều chỗ trong thành phố.
Bánh ướt thịt nướng Huyền Anh, 52/11, Kim Long
Cơm hến Hoa Đông, số 64 kiệt 7 Ưng Bình
Thịt luộc cuốn tôm chua ở dọc bờ sông An Cựu
Bánh ép, số 20 Nguyễn Du
Chè Ông Lạc, số 36 Thanh Tịnh
Chè Huế Kinh Đô, số 65 Trần Hưng Đạo
Chợ Đông Ba
Phố Tây Huế (phố đi bộ)
Nguồn: Tổng hợp
Đọc thêm nhiều bài viết: http://muatour.online/
0 Nhận xét