Thời học trò được học bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, tôi vẫn cứ nhớ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” là hình ảnh về Luang Pra Bang. Một nơi: “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm. Heo hút cồn mây mây súng ngửi trời”.

Rồi sau đấy, chợt nhận ra đây là địa danh núi Pha Luông ở biên giới Việt – Lào, thuộc Mộc Châu, Sơn La. Thôi thì, sự nhầm tưởng đẹp về Luang Pra Bang một thời. Còn giờ đây, khi được đặt chân chốn này, Luang Prabang – một thành phố diễm xinh, yên bình đến lạ kì.

Nhộn nhịp nhưng vẫn bình lặng

Tôi đến Luang PraBang vào lúc đêm muộn, khoảng 12 giờ. Chiếc xe bus từ Vang Viêng lên không đi vào thành phố, xe rời chúng tôi trên con đường tránh và tiếp tục hành trình. Những vị khách rời xe trong ngớ ngủ. Ngoài trời khuya vắng. May mắn, ngoài chúng tôi còn có dăm ba bạn trẻ balo khác. Và một chiếc xe bus nhỏ xuất hiện và chở chúng tôi vào trong trung tâm. Chúng tôi phải trả thêm tiền cho chuyến quá giang này. Đường về hơi xa. Thành phố chìm trong giấc ngủ tự bao giờ.

Chuyến hành trình Luang PraBang bắt đầu từ một khu chợ sớm nằm trên con đường Sisavanvong, bên cạnh chùa Wat May. Chợ sớm là một khu chợ xổm, được buôn bán từ trên con hẻm nhỏ dẫn vào con đường khác. Ngôi chợ như hình chữ T của hai con đường nối nhau.

Từ tờ mờ sáng, các sản vật cả vùng sông nước dòng Mê Kông, Nam Khan và từ vùng đồi núi xung quanh đều đã được trưng bán. Từ ngoài vào, nào là cơ man các loại rau củ quả của núi rừng. Lắm lúc, lại ồ lên thích thú vì một loại hoa trái nào đó của xứ Lào mà chúng tôi không biết, dù sao Lào cũng chung nguồn rau củ nhiệt đới như Việt Nam.

Một con phố Luang PraBang.

 Không rõ dòng Mekong chảy qua Luang Prabang có nhiều cá tôm như dòng Cửu Long không, chỉ biết là người dân ở đây ngoài buôn bán đa dạng các loại cá tươi thì thủy sản khô cũng đủ đầy không kém. Dòng hàng thủ công mỹ nghệ khá nhiều, nhưng đặc biệt là nhóm sản phẩm đan lát. Tôi thích nhất loại hộp để đựng xôi “bốc” (món ăn ngon mang hồn dân tộc Lào), là những món quà mang đậm quê hương xứ sở này.

 Tôi chọn dậy sớm đi chợ như là một thú vui khám phá văn hóa bản địa của một kẻ lữ khách. Chợ là thế giới của người dân địa phương và thêm một số khách vãng lai như tôi, lang thang, ngắm ngắm và lắm lúc, lia máy chụp choẹt vài kiểu ảnh lưu lại khoảnh khắc đầu ngày của một Luang PraBang nhẹ nhàng. Lê lết hết các góc chợ, chúng tôi không quên tận hưởng quà ăn, thức uống. Rồi ngẫm nghĩ “lạ”, chợ vẫn nhộn nhịp nhưng vẫn bình lặng như những con người hiền hòa nơi đây, không lay động ngôi chùa tịch lặng kế bên.

Được biết, Luang PraBang là thành phố di sản (1995) với phố cổ, cung điện, chùa chiền, làng nghề truyền thống và làng của người đồng bào dân tộc thiểu số Hmông, Khơ mú… Nhưng khuôn mặt dễ nhận diện nhất của Luang PraBang là chùa và gần như là một “đặc sản”. Trên hành trình đi của mình, tôi có dịp ghé qua nhiều ngôi chùa như: Vat May, Vat Pahouak, Vat Xiềng Thoong… Quả thật vậy, cần một khoảng những bước chân nhẹ nhàng đã đưa bạn đến một ngôi chùa với mái ngót đỏ cao chót vót, những con rồng uốn lượn và được trang trí, khảm khắc một màu vàng của sự nghiêm trang.

Mỗi câu chùa là một câu chuyện tạo ra một bức tranh đẹp cho phật giáo Luang PraBang. Người Lào gọi chùa là Vat. Vat chỉ cho cả ngồi chùa và khuôn viên bên ngoài (thường có tường bao quanh). Một khuôn viên ngôi chùa truyền thống thường có bốn cửa. Cửa thường được mở là hướng Nam hoặc hướng Bắc. Người ta cho rằng đều đó hợp phong thủy. Điều đặc biệt, các ngôi chùa không quay ra hướng lòng sông, làm như vậy sẽ cắt ngang dòng chảy và không hợp phong thủy. Trong chùa có Sỉm là kiến trúc chính nơi thờ Phật.

 Tùy vào chùa lớn, nhỏ, Sỉm có thể 3, 5 hay 7 gian. Khung Sỉm và cánh cửa chùa thường được làm bằng gỗ. Chủ đề trang trí thường là hình đức phật, các câu chuyện cổ và chim muông, hoa lá. Bộ mái chùa thường có ba lớp mái. Ngoài Sỉm chùa còn có các công trình khác như nơi dành cho các lễ hội: phật đản, vào chay, ra chay; nơi cầu kinh; nhà để chuông, trống; thư viện…

Vương quốc Lạn Xạng

 Từng nghe danh Lào – đất nước triệu voi, tôi vẫn chưa biết lý do vì sao như vậy. Cứ nghĩ đơn giản là vùng đất của những chú voi. Luang PraBang phố thị lại cho tôi câu trả lời. Luang PraBang là cố đô của Lào ngày ngay và thủ đô của Vương quốc Lạn Xạng ngày ấy. Chữ Lạn Xạng có nghĩa là vùng đất Triệu Voi. Voi là con vật gần gũi với người Lào.

 Nghề thuần dưỡng voi là một nghề cổ truyền của Lang PraBang và những tỉnh khác như Sạvẳnnạkhệt, Khăm Muộn và Chămpaxắc. Người Lào kể rằng, ông tổ đầu tiên của người Lào tên là Khún Bu Lôm được vua Trời cử xuống cai trị, đã cưỡi trên lưng một coi voi trắng. Được nghe câu chuyện, vậy là tôi quyết định ghé thăm cung điện như tìm về chút gì xưa cũ của Vương quốc Lạn Xạng. Tôi đến địa chỉ cung điện nhưng lạ thay, lại thấy bảng Bảo tàng Quốc gia Luang PraBang.

 Nếu bạn đến Luang PraBang gặp điều này thì không nên ngạc nhiên như tôi vì đây chính là cung điện trước kia, sau này là bảo tàng. Khuôn viên cung điện bao gồm những công trình chính: một ngôi chùa, nhà hát và cung điện. Cung điện cũ đã hỏng, người Pháp đã xây dựng lại cung điện mới để tặng vua Lào trên nền trước đấy. Cung điện với lối kiến trúc cổ điển của Pháp kết hợp với các yếu tố truyền thống Lào. Nền cung điện được nâng cao, bằng khoảng một tầng của ngôi nhà sàn truyền thống của người địa phương.

 Nhưng điều làm cho tôi thú vị, từ đầu cho đến khi leo lên trên đỉnh thác là đâu đâu cũng có những chỉ dẫn và lời khuyên cho khách, đặc biệt là những thông điệp xanh, những khẩu hiệu nhằm chia sẽ để cùng gìn giữ, bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên.

 Ngày chia tay Luang PraBang, tôi hiểu mình đã phải lòng phố thị này mất rồi. Tôi rời đi thành phố vẫn lặng yên như ngày đầu tôi đến. Tôi sẽ nhớ mãi thành phố này, với câu chuyện tôi tìm bình yên cuộc đời bên chai bia Lào, bên dòng Mènặmkhoỏng và bên một Luang Pra Bang nhẹ nhàng.
Xem thêm một số bài viết khác:
Maia Resort Quy Nhơn Mở Cửa Đón Khách